Trại sáng tác ảnh nghệ thuật “Tinh hoa gốm Việt”

Ngày 27/5 tới đây, CLB Nhiếp ảnh Khoa học & Cuộc sống và Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt cùng một số cơ quan tổ chức Trại sáng tác ảnh nghệ thuật với chủ đề “Tinh hoa Gốm Việt”.

Tham gia trại sáng tác có 30 nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia của CLB Nhiếp ảnh Khoa học và Cuộc sống để chọn ra những tác phẩm ảnh chất lượng phục vụ cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật “Một thoáng Nông thôn mới Hà Nội”, đồng thời tạo ra cơ sở dữ liệu ảnh nghệ thuật về gốm Bát Tràng để phục vụ các hoạt động tuyên truyền của Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, Tạp chí Mỹ thuật ứng dụng, Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt.

anh2-1653537185.jpg

Trước đó, CLB Nhiếp ảnh Khoa học và Cuộc sống thuộc Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam phối hợp cùng Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội đã phát động cuộc thi và triển lãm ảnh với chủ đề “Một thoáng Nông thôn mới Hà Nội” từ ngày 08/3 – 03/8/2022 (Dự kiến triển lãm từ ngày 07 – 17/10/2022).

Trại sáng tác ảnh nghệ thuật “Tinh hoa gốm Việt” được kỳ vọng là hoạt động thiết thực nhằm lan tỏa những giá trị tinh hoa gốm Bát Tràng, quảng bá những nét đẹp kiến trúc độc đáo của Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt.

Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt tọa lạc tại số 28, thôn 5, làng cổ Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội. Công trình này bắt đầu xây dựng từ năm 2018, được thiết kế bởi kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, một người có rất nhiều ý tưởng độc đáo. Đây là một quần thể kiến trúc nằm trong khu đất rộng 3.700 m², với một mặt hướng vào làng Bát Tràng, một mặt ngoảnh ra dòng kênh Bắc Hưng Hải. Công trình có tổng số vốn đầu tư ước tính 150 tỉ đồng.

anh1-1653537222.jpgTrung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt

Để tri ân công đức tổ nghề, công ơn đối với tổ tiên, với một ước nguyện gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của nghề gốm và làng văn Bát Tràng nói riêng, sự kết nối giữa các giá trị truyền thống làng nghề Việt nói chung, bà Hà Thị Vinh – hậu duệ đời thứ 15 của dòng họ Hà Hữu, công dân ưu tú của Thủ đô Hà Nội, Phó chủ tịch Hiệp hội các làng nghề Việt Nam…đã dành hết Tâm và Tài của mình để xây dựng nên Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt này.

Công trình được nung nấu ý tưởng từ hơn 10 năm trước và chính thức hoàn thành phần xây dựng cơ bản năm 2018. Với thiết kế 5 tầng nổi, 1 tầng hầm và hai bên có hai dãy nhà 2 tầng 4 mái lớp ngói, có các công năng: Tầng 1: Không gian đón tiếp khách tham quan và quầy hàng; Tầng 2: Bảo tàng nghề gốm Bát Tràng; Tầng 3: Trung tâm nghệ thuật đương đại/ Homestay; Tầng 4: Hội trường Cung đình/ Nhà hàng Tinh hoa/ Bát Tràng checkin coffee; Tầng 5: Hương Sa Trà – Hương Sa Art House và Nghệ thuật điêu khắc ánh sáng. Ngoài ra, tổ hợp trung tâm còn có không gian trưng bày và dịch vụ ngoài trời bên cạnh bờ sông Bắc Hưng Hải.

Kiến trúc tòa nhà được lấy cảm hứng từ những khối bàn xoay “vuốt gốm” truyền thống, giao thoa, nhào nặn với những mặt cong đa diện, chuyển động mềm mại và tự do đã tạo nên công trình độc đáo này. Với 7 trụ xoay, kích thước và kiểu dáng không giống nhau tạo nên sự khác biệt rất riêng như chính nghề sản phẩm thủ công truyền thống. Hình ảnh những đường chỉ ngang trượt theo mặt cong như sự tiếp nối của dòng chảy sông Hồng, từ ngàn năm nay đã ôm trọn làng gốm. Tông màu chủ đạo là nâu đất, chính là màu của đất sét – nguyên liệu sản xuất gốm truyền thống và cũng là màu của phù sa của dòng sông Hồng, bồi đắp nên sự trù phú, thịnh vượng cho làng nghề gốm Bát Tràng. Tòa nhà hướng mặt ra dòng sông Bắc Hưng Hải, một công trình trị thủy đầu tiên của miền Bắc nước ta được khởi công xây dựng từ năm 1958 có ý nghĩa rất lớn trong việc điều hòa dòng chảy, tránh sự xói mòn do lũ của sông Hồng làm lở làng. Nay dòng sông hiền hòa, tạo cảnh quan xanh mát cho làng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *