Do ý thức về giới tính và văn hóa thay đổi, đàn ông hiện có xu hướng tập thể hình, thậm chí phẫu thuật thẩm mỹ để có vòng ba nở nang.
Năm 2014, khi lên bìa tạp chí Paper trong bộ trang phục bó sát màu đen, Kim Kardashians gây bùng nổ mạng xã hội. Vòng ba lớn và thân hình đồng hồ cát của cô đã thay đổi quan điểm của phụ nữ về dáng người lý tưởng. Một thập kỷ sau, nâng mông là thủ thuật y khoa thẩm mỹ phát triển nhanh nhất thế giới, tăng 137% kể từ năm 2018, theo Hiệp hội Phẫu thuật Thẩm mỹ Quốc tế.
Giờ đây, cánh mày râu cũng tham gia vào cuộc đua “siêu vòng ba” này. Tạp chí Men’s Health, “kinh thánh” thể hình phái mạnh, gần đây đưa tin “nam giới dành sự quan tâm đặc biệt đến phần hông và đã gặt hái được nhiều kết quả”. Trong khi đó, tờ Daily Mail tuyên bố: “Xu hướng thể hình dành cho nam năm 2024 sẽ là vòng ba khổng lồ”.
Các nhà bán lẻ thời trang và thể hình, từ Lululemon đến Skims của Kardashian cũng cố gắng giành lấy một miếng bánh trong thị trường quần áo nam ôm sát. Theo Ashley Wilson, giám đốc thương hiệu thể thao bán chạy Gymshark, nam giới ngày càng chú ý đến việc tập cơ mông. “Gần đây, chúng tôi đã tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu làm nổi bật vùng này”, Ashley nói.
Nick Finney, huấn luyện viên cá nhân của các biểu tượng vòng ba trong văn hóa đại chúng Mỹ như Jennifer Lopez hay Robbie Williams, cũng nhận thấy sự thay đổi trong tư duy của các khách hàng nam giới. Trong khi nữ giới đã tìm cách “tối đa hóa vòng ba” kể từ những năm 1990, gần đây, phái mạnh bắt đầu ưu tiên phần thân dưới của họ hơn.
“Nhiều năm liền, dáng cơ thể được yêu thích là của Brad Pitt trong Fight Club. Khi ấy, khách hàng nam ám ảnh bởi việc có cơ bụng 6 mũi. Giờ đây, thân hình như vậy bị coi là quá gầy. Ngày càng nhiều người muốn có cơ thể đầy đặn và khỏe khoắn như Channing Tatum, họ tập mông như một phần để khoe ra”, ông nói.
Finney cho rằng sự phát triển trong khoa học thể thao là một yếu tố thúc đẩy xu hướng này. Theo ông, nam giới bắt đầu nhận ra cơ mông biểu tượng cho sức mạnh, động lực cơ bản nhất của các chuyển động bứt tốc. Đó là lý do các cầu thủ bóng bầu dục, bóng đá và vận động viên chạy nước rút có phần hông nở. Cơ mông cũng trợ lực cho các vận động viên đấm bốc. Trước đây, Muhammad Ali không tập cơ mông. Tuy nhiên, Anthony Joshua, nhà vô địch giải đấm bốc hạng nặng thế giới luôn khởi động với dây kháng lực quấn quanh vùng bắp chân trên để luyện tập vùng mông.
Heather Radke, tác giả cuốn sách Butts: A Backstory, cho biết nhiều người đàn ông thừa nhận họ từng không thẳng thắn nói về cảm giác xấu hổ khi có vòng ba kém hấp dẫn. Ngược lại, phụ nữ cởi mở hơn về cảm giác tự ti liên quan đến hình thể.
“Trong 10 đến 15 năm qua, phụ nữ luôn mong muốn có vòng ba đầy đặn, thể hiện sự nữ tính. Khi khái niệm giới và các tiêu chuẩn kèm theo trở nên linh hoạt hơn, việc một người đàn ông muốn có đặc điểm hình thể từng gắn liền với tính nữ trở nên phổ biến”, Radke nói.
Finney cũng đồng ý rằng sự kỳ thị đối với những người đàn ông có phần hông nở nang đang giảm dần. 20 năm trước, các vận động viên thể hình không hề tập thân dưới. Cho đến gần đây, đàn ông vẫn cảm thấy xấu hổ khi thực hiện các bài tập sức mạnh cơ mông như đẩy hông, squat. Theo thời gian, cảm giác này biến mất.
Ý thức hình thể của đàn ông thay đổi cũng là lúc ngành công nghiệp nở rộ. Các chuỗi phòng tập cao cấp đã tận dụng xu hướng này, tung ra nhiều chương trình tập luyện vòng ba riêng cho cánh mày râu. Các bài tập thường bắt đầu với động tác squat, nâng gối, chạy tại chỗ trên nền nhạc Destiny’s Child.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đạt được vòng ba mơ ước chỉ nhờ tập thể dục. Tiến sĩ Tijion Esho, bác sĩ thẩm mỹ tại Anh, cho biết số ca nâng mông, cấy mỡ tự thân, tiêm chất làm đầy mông ở nam giới đã tăng đáng kể thời gian gần đây, từ vị trí top 20 lên top 5 vào năm ngoái.
Ông tin rằng con số sẽ lớn hơn trong tương lai, bởi “rapper và vận động viên nam cởi mở hơn về các phương pháp thẩm mỹ mà họ thực hiện”. Các bức ảnh dạng trước/sau khi thẩm mỹ tràn lan trên mạng cũng khiến nam giới thay đổi cái nhìn về cơ thể của mình. Nếu phẫu thuật thành công, phần mông của đàn ông trông cân đối và hợp lý hơn, không cường điệu hóa như Nicki Minaj hay Kim Kardashian.
Dù vậy, các ca phẫu thuật nâng mông cho nam vẫn tiềm ẩn rủi ro. Theo bác sĩ thẩm mỹ Brendan Khong, tiêm chất làm đầy không đúng cách có thể gây tắc mạch, đột quỵ. Tùy theo mong muốn của bệnh nhân nam, bác sĩ cần tiêm lượng chất lỏng khá lớn để tạo đường nét cho vòng ba, điều này làm tăng thêm rủi ro. Ghép mỡ cũng có thể gây hoại tử mô mỡ, tình trạng chết mô khiến các khối u tích tụ dưới da.
Phương pháp gây tranh cãi nhất là nâng mông kiểu Brazil (BBL). Bác sĩ sẽ hút mỡ từ các bộ phận khác của cơ thể rồi tiêm vào thân dưới. Quá trình phục hồi thường rất đau đớn. Vì vậy, các cơ sở điều trị phục hồi mọc lên như nấm, ăn theo dịch vụ này. Tại đây, bệnh nhân có thể nghỉ ngơi trên những chiếc ghế dài được điều chỉnh phù hợp, khoét một lỗ bên dưới.
Theo báo cáo tháng 7/2017 của Tổ chức Nghiên cứu và Giáo dục Phẫu thuật Thẩm mỹ, hai trong số 6.000 ca BBL dẫn đến tử vong, tỷ lệ cao nhất trong số các thủ thuật thẩm mỹ. Năm 2018, Hiệp hội Bác sĩ Phẫu thuật Thẩm mỹ Anh kêu gọi các thành viên dừng thực hiện dịch vụ này.