Sụt cân không do thay đổi chế độ ăn và luyện tập có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý, trong đó thường gặp là tiểu đường và cường giáp.
Giảm cân không chủ đích là tình trạng sụt khoảng 4 kg hoặc 5% trọng lượng cơ thể trong khoảng 6-12 tháng không rõ nguyên nhân. Tình trạng này không có chủ định hoặc không cố gắng siết cân bằng nhiều biện pháp như nhịn ăn, tập thể dục, thay đổi lối sống, dùng thuốc, phẫu thuật.
Bác sĩ CKI Võ Trần Nguyên Duy, khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết giảm cân không chủ đích có thể là dấu hiệu của nhiều loại bệnh khác nhau như ung thư, hội chứng kích thích đường ruột, viêm ruột, suy tim, suy tuyến thượng thận (addison), bệnh tâm lý… Về nội tiết, sụt cân là dấu hiệu thường gặp ở người bệnh tiểu đường, cường giáp.
Sụt cân do tiểu đường
Tuyến tụy sản xuất hormone insulin có vai trò giúp glucose (đường) trong máu chuyển hóa thành năng lượng. Cơ thể người mắc bệnh tiểu đường không sử dụng insulin hiệu quả hoặc tuyến tụy sản xuất không đủ insulin nên không thể vận chuyển glucose tới tế bào tạo năng lượng.
Lúc này, cơ thể thiếu năng lượng hoạt động và tìm cách bù đắp bằng cách đốt cháy chất béo và cơ bắp với tốc độ nhanh, dẫn đến sụt cân. Tình trạng sụt cân xảy ra nhiều hơn ở người mắc bệnh tiểu đường type 1. Người tiểu đường type 2 cũng có thể bị sụt cân nhưng thường ở giai đoạn mới phát hiện bệnh.
Bệnh tiểu đường không biểu hiện triệu chứng rõ ràng từ sớm nên phần lớn các trường hợp phát hiện và điều trị chậm trễ. Người bệnh có thể gặp một số biến chứng sức khỏe như thận làm việc nhiều hơn để loại bỏ đường thừa trong máu dẫn đến tổn thương thận; phát triển bệnh võng mạc tiểu đường; biến chứng tim mạch do tiểu đường…
Các triệu chứng khác của tiểu đường, bao gồm khát nước, đi tiểu nhiều; cảm thấy đói thường xuyên hơn; da ngứa, có màu sẫm quanh cổ và nách; vết thương chậm lành, dễ nhiễm nấm men; mệt mỏi, dễ cáu gắt; nhìn mờ… Người có các triệu chứng này nên khám, điều trị phòng biến chứng của bệnh tiểu đường.
Sụt cân do cường giáp
Hormone tuyến giáp có vai trò điều chỉnh tốc độ và kiểm soát quá trình trao đổi chất (quá trình biến đổi thức ăn nạp vào cơ thể thành năng lượng), điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, kiểm soát nhịp tim.
Bệnh cường giáp xảy ra khi tuyến giáp tiết ra quá nhiều hormone thúc đẩy quá trình trao đổi chất và thân nhiệt, khiến cơ thể tiêu hao năng lượng nhiều hơn gây sụt cân. Ngoài sụt cân, cường giáp còn có các triệu chứng đi kèm gồm nhịp tim nhanh, run rẩy, lo lắng, chán ăn, tiêu chảy, da mỏng, rối loạn kinh nguyệt, không chịu được nóng, rụng tóc, lồi mắt, bướu cổ, yếu cơ…
Bệnh cường giáp nếu không được phát hiện và điều trị sớm, người bệnh có thể gặp các biến chứng như rung nhĩ, suy tim, đột quỵ, loãng xương…
Bác sĩ Duy cho biết ngoài các bệnh nội tiết gây sụt cân không chủ đích, một số bệnh khác cũng dẫn đến tình trạng này. Người có dấu hiệu bất thường kèm sụt cân không rõ nguyên nhân nên đi khám sớm.
>> Xem thêm sản phẩm:
Ống Nhựa Gân Xoắn HDPE 2 Vách – Thoát nước
Ống Nhựa Gân HDPE 2 Lớp – Thoát nước
Ống uPVC – Thoát nước dân dụng
Ống Nhựa Gân Xoắn HDPE 1 Vách – Thoát nước